Chào các bạn,
Chắc hẳn bạn đã có lúc đọc được một nội dung hay và muốn viết về chủ đề đó trên trang mạng xã hội hay blog của mình. Có khi nào bạn ‘băn khoăn’ làm thế nào để không vi phạm quyền tác giả hay bị coi là đạo văn không? Nếu có thì bạn không phải là người duy nhất đâu. Mình cũng có câu hỏi tương tự. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những điểm cần lưu ý khi phát triển nội dung nhé.
Cũng cần hiểu rằng vi phạm bản quyền (copyright infringement) và đạo văn (plagiarism) có những điểm khác nhau. Chẳng hạn như có một nội dung thuộc miền công cộng, bạn được phép sử dụng tự do mà không vi phạm bản quyền, nhưng nếu bạn không trích dẫn nguồn phù hợp và khiến người đọc tưởng rằng đó là nội dung của bạn nghĩ ra thì đó gọi là ‘đạo văn’ rồi đó.
Trong khuôn khổ của bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về quyền tác giả để xác định xem chúng ta có thể sử dụng nội dung nào đó hay không. Còn cách trích dẫn, sử dụng như thế nào để không bị coi là ‘đạo văn’ chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài tiếp theo nhé.
Một số khái niệm cơ bản
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một số khái niệm cơ bản.
- Tác phẩm: Một “tác phẩm” được hiểu là bất kỳ một sản phẩm sáng tạo nào, đó có thể là một bản nhạc, một bức ảnh, một video, một bài viết, một bài thơ hay cuốn sách.
- Tác phẩm phái sinh: tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác giả có quyền nhân thân (được đặt tên cho tác phẩm, được công bố, được đứng tên tác phẩm) và quyền tài sản (gồm quyền phân phối, sao chép, biểu diễn, cho thuê).
Hãy xem khi nào chúng ta có thể sử dụng một tác phẩm trong bài viết của mình hay không. Một tác phẩm, hay nội dung có thể thuộc một trong các nhóm sau:
Miền công cộng (public domain)
Tác phẩm thuộc miền công cộng là các tác phẩm xuất bản trước 1923, tác phẩm mà tác giả đã qua đời cách đây 70 năm trở lên hoặc tác phẩm được tác giả đặt vào miền công cộng (tức là tác giả chủ ý để người khác tùy nghi sử dụng). Với tác phẩm thuộc nhóm này, chúng ta có quyền rộng nhất, được tùy ý sao chép, chia sẻ, dịch thuật mà không bị giới hạn. Bạn có thể tìm thấy nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh cổ điển trong nhóm này.
Ví dụ như Project Gutenberg bên dưới, trang này có sách điện tử của các tác phẩm văn học cổ điển đã hết hạn bảo hộ bản quyền. Các bạn có quyền đăng lại, trích dẫn, hoặc dịch lại mà không cần xin phép tác giả và cũng không cần trả tiền bản quyền. Bạn sẽ thấy các cuốn tiểu thuyết như Romeo và Juliet hay Jane Eyre trên trang này đó.
Cá nhân mình thấy các tác phẩm này đa phần đã cũ, với các tác phẩm đương đại hơn thì số lượng cũng không quá nhiều. Một nhóm khác đa dạng hơn, cập nhật hơn là tài sản sáng tạo công cộng (creative domain).
Tài sản sáng tạo công cộng (Creative common)
Chúng ta có thể sử dụng các tác phẩm, nội dung thuộc tài sản sáng tạo công cộng mà không cần xin phép hay trả phí cho tác giả, tuy nhiên cần tuân thủ theo quy định mà tác giả đưa ra. Các quy định này thể hiện bằng các ký hiệu (trong ô vuông màu đỏ ở hình dưới). Vậy các ký hiệu này có nghĩa là gì?
Các ký hiệu này thể hiện các yêu cầu của tác giả với người dùng, gồm các yêu cầu phổ biến sau (đi từ ít hạn chế nhất đến nhiều hạn chế nhất):
Ảnh trong hình trên có 3 dấu hiệu:
Các dấu hiệu này có nghĩa là chủ sở hữu cho chúng ta sử dụng hình ảnh này với điều kiện:, nghĩa là chủ sở hữu cho chúng ta sử dụng hình ảnh này với điều kiện: 1 – ghi công của người sở hữu (cách ghi chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết sau nhé), 2- chỉ sử dụng cho mục đích phi thương mại, và 3 – chia sẻ đúng hình ảnh gốc mà không thay đổi hay chỉnh sửa.
Các yêu cầu này cũng có thể được trình bày dưới dạng văn bản, như trong ảnh dưới đây. Tác giả đã nêu rõ các nội dung được chia sẻ, đăng tải lại dưới hình thức nào. Các yêu cầu này là một ví dụ về các quy tắc về sử dụng theo cấp phép tài sản sáng tạo công cộng (CC).
Các yêu cầu của tác giả thường được nêu trong phần Licences (cấp phép), Terms (Điều khoản) trên trang web, các bạn nhớ đọc các phần này trước khi sử dụng nhé. Cá nhân mình thấy các nội dung Creative Commons đa dạng hơn, cập nhật hơn. Các yêu cầu cũng không khó đáp ứng, mà việc chúng ta ghi công (credit) tác giả và ghi rõ nguồn còn giúp bài viết của chúng ta đáng tin cậy hơn, đồng thời tránh được việc đạo văn nữa.
Tác phẩm có bản quyền
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Tác giả có quyền nhân thân (được đặt tên cho tác phẩm, được công bố, được đứng tên tác phẩm) và quyền tài sản (gồm quyền phân phối, sao chép, biểu diễn, cho thuê). Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký[1].
Chúng ta không được phép sử dụng, sửa đổi, sao chép hoặc xuất bản nội dung mà không có sự cho phép của tác giả. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ mà không cần xin phép như sử dụng vì mục đích nghiên cứu cá nhân, chuyển sang định dạng khác cho người khuyết tật (như chuyển sang dạng âm thanh, chữ nổi..) và sử dụng hợp lý để viết báo, bình luận hoặc minh họa.
Ví dụ như chúng ta thấy một tấm ảnh đẹp trên google và muốn đưa vào bài blog của mình. Chúng ta có thể vi phạm bản quyền nếu sử dụng đơn thuần mà không xin phép, nhưng nếu bạn đang giới thiệu nhiếp ảnh gia đó và dùng ảnh để minh họa thì có thể được coi là sử dụng hợp lý (fair use).
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009 Điều 25. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả 1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm: đ) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu; |
Mình có tìm hiểu thì chưa thấy Việt Nam quy định thế nào và mức độ nào được coi là sử dụng hợp lý, nên chúng ta sẽ tham khảo 4 yếu tố được cân nhắc của sử dụng hợp lý (fair use) theo Luật Sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ nhé:
- Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng: sử dụng tác phẩm để làm gì (thương mại, nghiên cứu, giáo dục…), và phần trích dẫn để minh họa hay trích nguyên văn. Nếu một người lấy một ảnh để minh họa cho luận điểm của mình thì có thể được coi là ‘sử dụng hợp lý’. Nhưng nếu một giáo viên lấy nguyên một cuốn sách làm giáo trình cho khóa học có phí thì không được coi là ‘hợp lý’ dù cho mục đích giáo dục. Nhưng nhìn chung thì các mục đích phi lợi nhuận sẽ dễ được nhận định là ‘sử dụng hợp lý’ hơn là mục đích thương mại;
- Bản chất của tác phẩm được bảo hộ: tác phẩm đã xuất bản hay chưa, và phần bị sao chép là thông tin giúp thúc đẩy nghiên cứu hay là các sản phẩm giải trí;
- Số lượng và thực chất của phần được sử dụng trong tác phẩm được bảo hộ: phần sử dụng ít hay nhiều, có phải là ‘cốt tủy’ của tác phẩm gốc hay không;
- Vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng đó đối với tiềm năng thị trường hoặc đối với giá trị của tác phẩm được bảo hộ: Việc sử dụng có phương hại gì đến việc thu lợi từ thị trường của chủ sở hữu hay không.
Việc xác định sử dụng có ‘hợp lý’ hay không thường sẽ do tòa án quyết định. Thực tế thì ‘sử dụng hợp lý’ vẫn là một vùng xám và khó phân định thế nào là ‘hợp lý’. Chúng ta có thể cẩn trọng bằng cách đảm bảo rằng phần lớn nội dung là do chính mình viết ra và luôn trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin từ các nguồn khác.
Ngoài ra, có nhiều trang cung cấp ảnh, video có bản quyền như iStockphoto hoặc khi chúng ta dùng các ứng dụng như Microsoft 365, Notion, Canva thì cũng được sử dụng miễn phí các ảnh, video, nhạc mà các ứng dụng này cung cấp cho mục đích thương mại và phi thương mại.
Một số nguồn công cộng (public domain – DP) và tài sản sáng tạo công cộng (creative commons – CC)
Ebook: Project Gutenberg
Văn bản: Wikipedia list of public domain text resources
Ảnh, video, nhạc: https://pixabay.com/
Ảnh: https://www.shutterstock.com/vi/
Tóm tắt
Các tác phẩm (các văn bản, hình ảnh, video, …) được chia thành các nhóm gồm:
Miền công cộng (Public domain – PD): được tự do sao chép, chia sẻ, thay đổi và xuất bản lại một cách tự do, không gặp phải bất kỳ hạn chế nào.
Tài sản sáng tạo công cộng (Creative common): Được phép sử dụng mà không cần sự cho phép của tác giả, nhưng cần đáp ứng các yêu cầu mà tác giả đặt ra, chẳng hạn như ghi công, chỉ sử dụng cho mục đích phi thương mại, không được làm tác phẩm phái sinh, v.v…
Được bảo hộ Quyền tác giả (Copyright protected): cần xin phép khi sao chép, chia sẻ, thay đổi và xuất bản, trừ một số trường hợp ngoại lệ như sử dụng hợp lý.
Với vai trò là một người sáng tạo nội dung, chúng ta hãy tìm hiểu để biết mình có thể sử dụng những tài nguyên, nội dung nào một cách hợp pháp nhé. Và như đã nêu ở phần đầu tiên, vi phạm bản quyền (copyright infringement) và đạo văn (plagiarism) có những điểm khác nhau. Chúng ta sẽ tìm hiểu về cách trích dẫn, sử dụng thông tin để không bị coi là ‘đạo văn’ nhé.
Until next time!
Tài liệu đọc thêm:
Crashcourse. Bản quyền, Ngoại lệ và Sử dụng hợp lý (Crashcourse, Copyright, Exceptions, and Fair Use): https://www.youtube.com/watch?v=Q_9O8J9skL0
Nhân Hòa Law. Bàn về nguyên tắc “sử dụng hợp lý” fair use
https://luatnhanhoa.vn/kien-thuc-phap-luat/372/ban-ve-nguyen-tac-su-dung-hop-ly-fair-use.html
Disclaimer: nội dung của bài viết này không phải là tư vấn pháp luật. Người viết chia sẻ những thông tin tìm hiểu được về chủ đề liên quan và đưa ra một số nhận định cá nhân.
==
[1] Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009